Trải nghiệm đáng nhớ với dự án Thầy thuốc đồng hành

Trải nghiệm đáng nhớ với dự án Thầy thuốc đồng hành

Cuối tháng 8/2021, Sài Gòn bước vào những ngày đỉnh dịch với số lượng bệnh nhân Covid-19 đạt cao nhất từ trước tới đó. Sài Gòn thật sự "bị ốm"! Lệnh phong toả toàn thành phố và tiếng xe cứu thương cứ vậy reo suốt cả ngày, văng vẳng bên tai ấy. Nhiều người không được chăm sóc kịp thời vì cơ sở y tế quá tải, người bị nhẹ lại không được tiếp cận cách chăm sóc chu đáo. Trong khi đó, lực lượng y/bác sĩ là rất lớn và cũng rất mong mỏi được giúp đỡ bệnh nhân. Vậy, cần có ai đó kết nối họ lại với nhau (tất nhiên là không thể vào tận nhà rồi). Dự án ra đời, tôi có câu chuyện này.

Lời mời tham dự

Tại thời điểm đó, có khá nhiều dự án công nghệ nổi lên, đặc biệt là lời kêu gọi 10,000 nhân sự IT góp sức, mang công nghệ hỗ trợ y tế trong thời điểm cấp bách nhất giữa đại dịch. Tôi điền đơn đăng ký mà không hề chần chừ, cũng chẳng cần quan tâm vào vị trí nào cả, miễn là có gì làm được thì tôi làm tất, với tinh thần can-do-it.

Và rồi, tôi được anh Hiếu (từng là Co-founder Topica) liên hệ và giao cho mình vị trí Business Analyst (đại loại là vị trí đứng mũi chịu sào và hoà giải, hồi sau sẽ rõ =))) cho dự án "Thầy thuốc đồng hành". Với đúng nghĩa tên dự án, dự án cung cấp nền tảng cho các bác sĩ trên khắp cả nước có thể chăm sóc bệnh nhân từ xa, để đưa ra những khuyến cáo kịp thời, hỗ trợ bệnh nhân chăm sóc đúng cách, giảm tải cho bệnh viện các tuyến.

Sài Gòn sẽ mau khoẻ lại thôi!

Hoà nhập dự án

Tôi vừa được add vào đoạn chat trong dự án, thì ấn tượng đầu tiên là cuộc tranh luận nảy lửa (mà sau này mọi người hay đùa là chửi nhau) giữa bác sĩ Thành (người điều hành dự án) và anh Phú (phụ trách công nghệ chính cho dự án). Hai người có vẻ chẳng ai chịu ai. Cho đến khi có một bà chị nào đó xuất hiện và hoà giải 2 anh em rất xịn - chị Hương (một chuyên gia có tiếng, có sức ảnh hưởng lớn trong ngành truyền thông - @KateSomething).

Và rồi chị Hương chuyển nhiệm vụ ấy lại cho tôi. Trong những câu chuyện sau này, chị hay bảo "lúc đấy không có chú nhảy vào đứng giữa 2 ông kia, chị cũng không biết phải làm sao nữa".

Làm việc căng thẳng

Ngay sau những bất ngờ ấy, tôi bắt đầu cuộc họp đầu tiên với team. Và tất nhiên, đây không phải mấy buổi khai giảng chào hỏi, hay làm quen đi nhậu như người mới vào mấy dự án. Ngoài kia, hàng trăm ngàn bệnh nhân đang nguy hiểm, và hàng ngàn bác sĩ đang cần chúng tôi hỗ trợ. Tôi được anh Hiếu trình bày tổng quan về hệ thống, những gì đã có, những gì cần làm, cái gì cấp bách, phải làm ra sao.

Ấn tượng: Rất hệ thống và dễ hiểu!

Tôi không quá khó để hiểu sơ bộ về cả một hệ thống phục vụ cho mấy ngàn bác sĩ chỉ sau một buổi họp vài tiếng đồng hồ. Tôi học được cách tiếp cận nhanh một hệ thống mới, một lĩnh vực mới.

Lúc ấy, Sài Gòn đang phong toả. Ở nhà, tôi cũng chỉ quanh quẩn với màn hình máy tính, chiếc tai nghe với những cuộc họp online liên tục, những lời hỏi thăm sức khoẻ qua màn hình. Thật bức bối!

Vậy là, sau những giờ làm việc căng thẳng với công việc ở công ty, tôi lại tiếp tục những giờ căng não hơn thế, với dự án "cứu Sài Gòn" (nghe lại thật là vĩ mô mà, cảm giác anh hùng, hehe).

Dự án thì cấp bách, cần phát triển các tính năng và release liên tục để đáp ứng yêu cầu từng giờ từng phút (chứ chẳng phải chia sprint hàng tuần nữa), những bạn dev tài năng thì lại ở nhiều múi giờ khác nhau (người ở Úc, người ở Mỹ). Thật may, chúng tôi vẫn có thể dành thời gian cùng nhau, cùng dành cho Sài Gòn, và có những cuộc họp tới nửa đêm, và rồi lại tiếp tục làm việc thêm nữa.

Nhưng có lẽ chúng tôi cũng chỉ là hạt cát nhỏ so với những bác sĩ đang chăm sóc bệnh nhân suốt ngày đêm kia.

Khủng hoảng

Một phần khó quên trong dự án, nhưng sự cố này lại giúp tôi có được kinh nghiệm quý báu trong việc giao tiếp sau này, cả khi ở vị trí PM hay BA. Khi chúng tôi vất vả xây dựng một tính năng mới, release chúng, nhưng lại không báo cho các bác sĩ - những người trực tiếp sử dụng chúng. Vậy là, những hoạt động thường ngày của họ bị xáo trộn, ảnh hưởng rất nhiều và họ cũng rất bức xúc phản ánh. Khi ấy, tôi nhận ra bài học về sự mẫu thuẫn giữa stakeholder và user, thứ nữa là không thông báo tới user về sự thay đổi. Tôi đã khá chủ quan khi chỉ tiếp nhận yêu cầu từ người lãnh đạo, nhưng lại quên mất rằng người sử dụng chính và người yêu cầu lại là 2 đối tượng khác nhau, họ nghĩ khác nhau, họ làm những việc khác nhau.

Thật may, chuyên gia PR đã cứu cánh tôi để trấn an các bác sĩ (tôi cũng học được phần nào về cách xử lý khủng hoảng truyền thông từ đây). Phần về tính năng, tôi cũng có kịp thời gian để cân nhắc lại các yếu tố về nghiệp vụ và mức độ ảnh hưởng để có quyết định hài lòng được cả stakeholder & user. Phía trên tôi có nói mình là người "đứng mũi chịu sào" là vậy. Trong những câu chuyện, chị Hương và mấy em nhỏ vẫn bảo "nể thằng Tuấn khi có thể bình tĩnh đến thế trong khi cả ngàn bác sĩ đang phản ứng rất gay gắt".

Những người bạn

Điều đáng trân trọng nhất sau dự án, không phải chỉ là học hỏi được nhiều thứ, mà còn là những người bạn, người anh chị em ở nhiều lĩnh vực khác nhau, những lối sống khác nhau. Từ những người xa lạ, chỉ sau chục ngày cùng nhau sát cánh mà trở nên thân thiết biết bao. (chẳng trách trong mấy phim Mỹ, sau 2-3 tiếng đánh nhau ầm ầm, họ quay ra ôm hôn nhau thành đôi, thành gia đình là vì thế).

Tôi cũng học được từ những người anh, người chị rất nhiều, từ cách hệ thống hoá, cho tới cách xử lý vấn đề, xử lý mâu thuẫn, giao tiếp nội bộ. Đặc biệt, tôi có cụm từ mới: "tư duy thực dụng" (cái từ mà tôi tự đặt ra để chỉ điều mà tôi học được từ anh Phú: nên tập trung vào những thứ cốt lõi để sản phẩm chạy được, vận hành được, thay vì những quy trình rườm rà, chuyên nghiệp, nhất là ở những thời điểm cấp bách như thế này). Đó cũng là thứ nên áp dụng ở những dự án bắt đầu với quy mô nhỏ, "lean" nhất có thể.

Kết

Thật sự, đã 2 năm rồi, giờ đây viết lại những kỷ niệm này, tôi vẫn nhớ khá rõ những khoảnh khắc tại thời điểm ấy. Mặc dù không thực sự đóng góp được trực tiếp như những bác sĩ, các bạn sinh viên y dược nỗ lực ngày đêm, nhưng tôi vẫn cảm thấy thật tự hào vì đóng góp được phần nào sức mình cho Sài Gòn, để tôi có thể "ở trọ" ở đây lâu thêm chút nữa.

Cảm ơn và trân trọng.


Thông tin thêm về dự án: https://thaythuocdonghanh.vn/