6 Loại Thiên Kiến Mà UX Designer Thường Mắc Phải
Chia sẻ được đúc rút từ khoá học UX Design của Google trên Coursera.
Trong khóa học UX Design của Google trên Coursera, có một bài nói về các loại thiên kiến (biases), mình chia sẻ lại với mọi người.
Trong bài có những ví dụ mình đưa vào theo cách hiểu của mình về các loại thiên kiến, nên có thể có những ví dụ chưa phù hợp, mong mọi người góp ý thêm 😊
Google chia sẻ rằng có 6 loại thiên kiến mà các UX designers thường mắc phải
1. CONFIRMATION BIAS
Bạn tin rằng những người thuận tay trái thường sáng tạo hơn người thuận tay phải. Mỗi khi bạn gặp ai đó vừa thuận tay trái, vừa sáng tạo, bạn sẽ coi đây là bằng chứng để củng cố niềm tin của mình.
Trong UX, loại thiên kiến này thường xảy ra khi bạn đã có sẵn những giải pháp trong đầu, và bạn cho rằng nó đúng. Bạn sẽ có xu hướng đi tìm bằng chứng để xác nhận lại giả thuyết của mình.
Để khắc phục điều này, khi thực hiện nghiên cứu, bạn nên:
- Đưa ra câu hỏi mở thay vì chỉ có yes/no
- Chủ động nghe mà không đưa quan điểm của bạn xen vào
- Nghiên cứu 1 lượng người dùng đủ lớn, và để ý đến những người không cùng quan điểm với mình
2. FALSE CONSENSUS BIAS
Có thể bạn gặp một vài người Việt Nam có hành vi ăn trộm ở nước ngoài. Bạn kết luận rằng lũ VN toàn bọn ăn cắp, trong khi thực tế không phải như vậy.
Trong UX, loại thiên kiến này xảy ra khi bạn có ước tính sai về số lượng người dùng sẽ đồng ý với giải pháp thiết kế của bạn.
Để khắc phục, bạn nên:
- Xác định và hiểu rõ đó chỉ là giả định của riêng bạn
- Thực hiện khảo sát với một nhóm người dùng đủ lớn có thể giúp bạn có cái nhìn tổng quan hơn.
3. RECENCY BIAS
Bạn thấy thị trường chứng khoán liên tục giảm trong 2-3 ngày gần đây, bạn e sợ và không dám đầu tư vì cho rằng nó sẽ tiếp tục giảm.
Đây là loại thiên kiến mà bạn cho rằng những chuyện vừa mới xảy ra gần đây sẽ tiếp tục ảnh hưởng tương lai.
Trong UX, nó thường xảy ra khi bạn thực hiện phỏng vấn, nói chuyện. Bạn sẽ thường chỉ nhớ những điều cuối cùng mà người đối diện nói, hoặc thể hiện, và đi đến kết luận dựa trên điều đó.
Để khắc phục, khi phỏng vấn, bạn nên:
- Ghi chép chi tiết hoặc ghi âm/ghi hình lại buổi nói chuyện. Bằng cách này, bạn có thể xem lại những gì người tham gia thể hiện từ đầu quá trình.
4. PRIMACY BIAS
Lần đầu tiên bạn nghe ca khúc "Tình Đơn Phương" là do ca sĩ Lam Trường thể hiện. Sau này bạn nghe của các ca sĩ khác, bạn cảm thấy họ biểu diễn không hay bằng Lam Trường
Trong UX, loại thiên kiến này xảy ra khi bạn thực hiện nghiên cứu, và ấn tượng quá mạnh về những người được phỏng vấn đầu tiên. Bạn có xu hướng cho rằng những gì họ nói là trải nghiệm chung của tất cả những người tham gia sau.
Cũng như Recency Bias, bạn nên:
- Ghi chép chi tiết hoặc ghi âm/ghi hình lại buổi nói chuyện
- Giữ nguyên cách thức phỏng vấn đối với mỗi người tham gia, để có thể dễ dàng so sánh và nhận thấy những điểm khác biệt
5. IMPLICIT BIAS (HAY UNCONCIOUS BIAS)
Một anh con trai và một chị con gái đang dọn đồ. Những đồ vật hơi nặng một chút, anh con trai chủ động bê hết.
Trong ví dụ trên, anh con trai có implicit bias vì trong vô thức của anh cho rằng con gái yếu hơn, không thể bê đồ nặng. Nhưng trong thực tế chị con gái kia có thể còn khỏe hơn anh ấy.
Thiên kiến ngầm xảy ra trong vô thức mà bạn không hề để ý. Lưu ý rằng tất cả mọi người, ai cũng có thiên kiến ngầm.
Trong UX, khi thực hiện nghiên cứu, điều này khiến bạn có thái độ không thoải mái một nhóm người dùng có lối sống và hành vi khác với bạn.
Để khắc phục, bạn nên:
- Tìm ra những thiên kiến ngầm của bản thân, bằng cách hỏi người khác, thực hiện bài test.
6. SUNK COST FALLACY
Bạn đang xem một bộ phim, cảm thấy chẳng có gì thú vị. Nhưng bạn quyết định xem nốt vì đã lỡ xem hơn một nửa rồi.
Bạn thường sẽ cảm thấy tiếc công sức mình bỏ ra. Trong quá trình phát triển sản phẩm, loại thiên kiến này thường xảy ra ở cuối quá trình, khi bạn phát hiện ra những tính năng bạn đã bỏ công xây dựng không phù hợp với người dùng cho lắm.
Để khắc phục điều này, bạn nên:
- Chia quá trình phát triển sản phẩm ra thành các giai đoạn nhỏ
- Xác định được một thời điểm để quyết định xem có nên tiếp tục phát triển nữa hay không
Bài viết: Khánh Hưng trong Nghiện Design