"Xuống" làm BA

"Xuống" làm BA

Mình vừa chuyển sang công ty mới. Trước khi nghỉ việc, mình có buổi nói chuyện với sếp cũ, anh có hỏi "Xuống làm BA à?". Thú thực, lúc ấy mình cũng nghĩ vậy.

Đang là Product Manager

Tại công ty cũ, tên vị trí của mình là Product Manager (Quản lý sản phẩm). Mình gọi là "tên vị trí", bởi vì là công ty startup, nên lượng công việc mà mình làm thực sự nhiều hơn những gì mình biết về một Product Manager. Tất nhiên, mặc dù chúng không được sâu, nhưng mình học được nhiều thứ hơn, về mọi khía cạnh, từ business, chiến lược, tới vận hành, tới những thứ gần gũi hơn với dev. Không có PO, không có BA, mình kiêm cả. Tất nhiên, chúng không quá chuyên sâu, đủ để mọi người đều hiểu và có thể đi một cách nhanh nhất. Start up, phải tinh gọn và chạy nhanh thôi!

Lợi thế

Mình may mắn có được cơ duyên được trải qua nhiều vị trí khác nhau, tưởng chừng như chẳng liên quan, nhưng lại có một điểm chung là xoay quanh team Tech. Trước đó, mình làm vận hành. Vận hành là làm gì ấy hả? Là làm cho một dự án có thể chạy thật ổn định với tất cả mọi thứ phải giải quyết. Cũng là một team nhỏ, dự án thì nhiều, KPI lại lớn, vậy nên mình luôn bị ám ảnh bởi cụm từ "tối ưu". Mình luôn muốn tiết kiệm sức lực cho tất cả mọi người. Làm tay chân ít thôi! Chắc tại mình lười =))) Và một trong những giải pháp hữu dụng nhất là ứng dụng công nghệ để giải quyết những bài toán lặp đi lặp lại. Đó là khi mình bắt đầu với vai trò stakeholder với các dự án cùng team tech tại BE GROUP.

Sau đó, mình có theo học khoá học về Product Management từ anh Tony Le (Sr. Product Manager & Head of UI/UX tại BE lúc bấy giờ, giờ anh làm bên Cake by VPBank). Đó cũng là lúc đánh dấu thời điểm mình biết nhiều hơn về lĩnh vực Product Management một cách chính thức (lúc trước hầu như chỉ là "hóng" cách làm việc từ các Sr. PM). Khá nhiều thứ phải học, phải luyện tập. Tất nhiên!

Nhiều ngã rẽ

Vậy tại sao không tiếp tục làm PM? Rồi làm BA thì CV lung tung thế?

Mình cũng từng băn khoăn như vậy.

Nhưng...

Product Manager không hẳn là một người quản lý (nhưng thường vị trí này ở các công ty cũng thường dành cho một người quản lý). Đúng nghĩa hơn, vị trí này chính là một người kết nối giữa nhiều vị trí khác nhau để tạo nên một sản phẩm "tốt". Tốt ra sao? PM cần trung hoà định nghĩa cái "tốt" ấy giữa thật nhiều người, với những quan điểm khác nhau.

Sản phẩm tốt của khách hàng là sản phẩm giải quyết được nhu cầu của họ.

Sản phẩm tốt của UX/UI Designer là một sản phẩm dễ dùng và đẹp mắt.

Sản phẩm tốt của công ty là một sản phẩm mang lại doanh thu/ lợi nhuận tốt, có giá trị.

Sản phẩm tốt của cộng đồng là một sản phẩm giải quyết được một bài toán lớn về nhu cầu trong xã hội.

Sản phẩm tốt của dev là sản phẩm có kiến trúc phát triển mạch lạc (hoặc đôi khi dev chỉ cần có người dùng thôi là cũng vui rồi).

Sản phẩm tốt của tester là sản phẩm có ít bug (nếu không có bug thì sẽ càng bất an, chưa chắc đã tốt).

...

Tất nhiên, định hướng của mình vẫn sẽ là vị trí Product Manager.

Trải nghiệm

Với suy nghĩ thông suốt ở trên, mình cho rằng đây là một cơ hội tốt để mình trở thành một Product Manager tốt hơn.

Tất nhiên, với vai trò BA, mình sẽ tiếp xúc nhiều hơn với anh em dev, tester nhiều hơn, từ việc thiết kế hệ thống, thiết kế database, tối ưu hiệu năng, tới việc kiểm tra test case, đảm bảo một sản phẩm vận hành tốt.

Mặc dù, tên vị trí là BA, lại là tên vị trí, nhưng mình nhận thấy mình có thể làm nhiều thứ hơn tại đây. Mình có cuộc họp hàng tuần với BOD để thảo luận các vấn đề của sản phẩm. Mình tham gia và định hình plan phát triển sản phẩm để đề xuất tới BOD. Trong team mình còn có 1 PO nữa, và 2 người cùng quản lý backlog, quản lý task. Team cũng chưa có designer, vậy là mình lại kiêm luôn vị trí này (mình sẽ chia sẻ về công việc design ở công ty trong bài viết sắp tới). Và, tất nhiên, mình không quên nhiệm vụ chính của mình là một BA.

Nhưng có lẽ mình vẫn bị ảnh hưởng bởi vị trí PM/ PO trước đó. Do đó, mình thường trình bày tài liệu dưới dạng sơ đồ trước, tổng quát hoá, đặt vấn đề rồi mới đến những phần chi tiết hơn về database, api, tài liệu tích hợp,... Mình mong muốn cả team đều có thể hiểu tại sao mình phải làm thứ này và hình dung sau này sẽ thế nào để xây dựng một sản phẩm không chỉ phù hợp hiện tại mà còn tầm nhìn scale trong thời gian tới.

Mình muốn đi cùng mọi người, không phải chỉ là làm việc đúng vị trí.

"Xuống" hay "sang"

Với cách tiếp cận ấy, mình coi đây là một giai đoạn thử thách với mình, để trải nghiệm nhiều thứ hơn với team, xây dựng một sản phẩm tốt hơn. Do vậy, chắc chắn đây không phải là một bước "xuống" đối với mình.

Mình cũng đang ấp ủ một số dự án thay đổi về trải nghiệm cả khách hàng và nội bộ team. Mình sẽ tiếp tục chia sẻ thêm trong những bài viết sắp tới.